AI ĐƯỢC SUY TÔN LÀ THỦY TỔ CỦA HỌ NGUYỄN?
Theo sách Cương mục, Nguyễn Bặc là người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng (nay là xã Gia Hưng, Gia Viễn, Ninh Bình). Tương truyền, Nguyễn Bặc là người giỏi võ nghệ, có sức khỏe phi thường. Ông từng tay không bắt sống cọp đem bán cho các hào phú. Tính tình ông thẳng thắn, bộc trực.
Nguyễn Bặc là danh tướng trên chiến trường. Sinh thời, ông góp công lớn giúp Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp 12 sứ quân, thống nhất đất nước.
Nhờ võ công và tài năng cái thế, ông được Việt Sử tân biên liệt vào danh sách "Giao Châu thất hùng", tức 7 anh hùng người Giao Châu, gồm: Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Liễn, Lê Hoàn, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp và Phạm Cự Lạng.
Năm 968, sau khi lên ngôi lên ngôi, Đinh Bộ Lĩnh đã phong cho Nguyễn Bặc làm Định Quốc Công (chức quan tương đương tể tướng), đứng đầu các công thần, quản lý việc nội chính.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, sau khi vua Đinh Tiên Hoàng bị hoạn quan Đỗ Thích hại chết, đích thân Nguyễn Bặc đã trừng trị Đỗ Thích để trả thù cho nhà vua.
Sau khi vua Đinh Tiên Hoàng qua đời, triều đình đã đưa Đinh Toàn lên làm vua, Nguyễn Bặc, Đinh Điền làm phụ chính.
Hiện nay, rất nhiều nơi ở miền bắc nước ta có đền thờ Định Quốc Công Nguyễn Bặc như Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Huế…
Tên tuổi của Nguyễn Bặc được đặt cho các đường phố ở nhiều đô thị như: thành phố Kon Tum, Tam Điệp, TP.HCM, Nha Trang, Ninh Bình, Hải Phòng...
Nguyễn Bặc (924-979) là khai quốc công thần triều Đinh, có công giúp Đinh Bộ Lĩnh chấm dứt loạn 12 sứ quân. Theo các gia phả họ Nguyễn và tài liệu Lược sử họ Nguyễn tại Việt Nam, Định Quốc Công Nguyễn Bặc được suy tôn là thủy tổ họ Nguyễn ở Việt Nam.
Nguyễn Bặc cư xử với Đinh Bộ Lĩnh không khác Quan Vũ đối với Lưu Bị. Tương truyền, ông luôn cắp giáo đứng hầu mỗi khi Đinh Bộ Lĩnh bàn việc quân, nếm trước thức ăn để phòng vua bị đầu độc.
Khi ra trận mạc, ông luôn đi đầu. Có lần, Đinh Bộ Lĩnh bị trúng tên ngã ngựa, Nguyễn Bặc cõng vua trên lưng, leo lên núi đá dựng đứng để thoát vòng vây.
: honguyen