honguyen banner

Họ Nguyễn Thế Làng Sặt, Trang Hạ, Từ Sơn, Bắc Ninh, Việt Nam

Thứ hai - 03/06/2024 00:42
Họ Nguyễn Thế Làng Sặt, Trang Hạ, Từ Sơn, Bắc Ninh, Việt Nam


 



Lời nói đầu

 

Cây có gốc mới sinh cành sinh quả

Nước có nguồn mới thành lạch thành sông

Xây truyền thống phải từ cội rễ

Là cháu con phải nhớ cha ông

 

Để nhớ nguồn gốc nhà mình, cháu con phải ghi gia phả và lâu lâu khi có nhiều sự kiện mới lại nên viết lại hoặc ít nhất thì cũng phải tiếp theo để truyền lại cho con cháu biết.

Các cụ thời trước trong họ nhà ta thường rất chăm lo việc ghi gia phả. Mỗi chi, mỗi cành thường đều có một quyển gia phả truyền lại cho con cháu giữ. Nhưng những quyển ấy đều viết bằng chữ nho là thứ chữ ngày càng ít dùng ít học nên ta phải nghĩ đến việc dịch gia phả cũ và viết lại bằng chữ quốc ngữ cho con cháu đều đọc được.

Vì thế trước Cách mạng tháng 8 năm 1945 ta đã lược dịch quyển gia phả chữ nho cũ ra quốc ngữ, trong đó tên năm đã được đối chiếu ghi thêm bằng năm dương lịch. Nhưng trong kháng chiến quyển đó đã bị cháy mất, chỉ còn giữ được quyển gia ký chữ nho, cụ nhà viết lại riêng cho ta giữ. Hoà bình lập lại, ta theo quyển gia ký đó viết lại một quyển gia phả đầu tiên năm 1959.

Đến hè năm 1964, thấy quyển năm (1959) viết còn sơ lược và giấy bóng phèn viết cả hai mặt nên nhiều chỗ bị nhòe khó đọc ta lại viết một quyển thứ hai tương đối kỹ hơn.

Năm 1972, được về hưu và sơ tán về nhà, ta có viết tóm tắt riêng tiểu sử cụ nhà và ghi lại những văn thơ nôm của cụ mà ta sưu tầm được. Sau đó nhân anh Bình (về chi giữa) nhờ ta viết một quyển gia phả cho chi nhà anh, đồng thời có đưa lại một quyển gia phả chữ nho cũ do cụ Thế Y viết, phần dưới rách mất một số tờ, trong đó có viết nguyên cả bài ký về việc làm nhà thờ (Nguyễn tộc từ đường ký), ta được biết rõ thêm một số việc của cha ông, nhất là thấy cha ông rất cẩn thận trong việc phụng thờ tiên tổ, ta bèn viết thêm một quyển thứ ba để ghi thêm một số điều rõ hơn quyển trước.

Ta nghĩ rằng càng nhiều càng tốt, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay, con em trong họ đi công tác xa nhiều, không mấy lúc được hội họp đông đủ ở làng, cùng nhau nhận họ nhận hàng ôn lại sự tích cha ông. Vậy ngay trong một nhà nếu có viết được vài ba quyển thì rồi anh giữ quyển này, em giữ quyển kia, càng nhiều người nhớ rõ gốc nguồn càng tốt. Có lẽ cũng vì nghĩ thế nên cụ nhà đã viết bằng chữ nho cho ba anh em ba quyển, viết cho ai cụ có ghi hẳn tên người đó giữ.

Với tinh thần ý nghĩ nói trên, nay ta viết lại quyển này, coi như viết lại quyển (1972), có điều chỉnh thêm một vài chi tiết.

 

Hà Nội hè 1976.

Nguyễn Thế Bưu

stringrating

Bạn đã không sử dụng site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây