honguyen banner

GIỚI THIỆU VỀ CHI HỌ NGUYỄN (GỐC HỌ TÔ)

Thứ hai - 03/06/2024 01:24
Theo gia phả họ Nguyễn - Tô, bản mới biên soạn năm 2016, cụ Tổ họ Nguyễn đời thứ nhất có tên là Tô Công Lộc, sinh năm Quý Mùi - 1703, nguyên quán ở xã Văn Lâm, tổng Phúc Lâm, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

 

Do chính sách áp bức khó chịu của tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn trong cuộc “nội chiến Bắc Nam huynh đệ tương tàn”, cụ phải rời bỏ quê hương đi lánh nạn ở đất Thái Bình và lập gia đình với cụ bà Trần Thị Quán, quê ở xã An Lạc, tổng An Lạc, huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng, nay là thôn Hữu, xã Mê Linh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, từ đó cụ định cư và lập nghiệp ở quê vợ. Lúc đầu cụ còn giữ họ tên của mình nên khi sinh người con trai cả cụ vẫn đặt tên cho con theo họ cũ là Tô Bỉnh Di. Nhưng sau đó cụ đổi sang họ Nguyễn là Nguyễn Công Lộc, người con trai cả Tô Bỉnh Di (sinh năm Mậu Thân - 1728) đổi họ tên là Nguyễn Công Hàn. Những năm sau hai cụ sinh tiếp được 3 người con nữa gồm 2 trai 1 gái, lần lượt đặt tên là: Nguyễn Công Cung (sinh năm Canh Tuất - 1730), Nguyễn Công Bẩm (sinh năm Ất Mão - 1735) và bà con gái tên là Nguyễn Thị Lòng tức Nguyễn Thị Giang (bà này mất sớm, không nhớ năm sinh).

          Về văn tự: Họ Nguyễn - Tô thôn Hữu, xã Mê Linh trước đây có bản gia phả viết bằng chữ Hán, qua các đời được viết bổ sung. Năm Mậu Tuất - 1958, hai cụ Nguyễn Công Hiểu (1904 - 1963), đời thứ 7 chi 1, và cụ Nguyễn Hữu Giới (1904 - 1992), đời thứ 7 chi 3, biên soạn gia phả chi 3 bằng song ngữ Hán Việt. Cuối năm Kỷ Mão - 1999 bản gia phả được ông Nguyễn Học (nội tôn đời thứ 8 chi 3) dịch ra tiếng Việt, nhưng còn nhiều hạn chế như phần chi 2 mới ghi đến đời thứ 6. Tháng 12 - 2016 họ Nguyễn chúng tôi vừa hoàn thành biên soạn cuốn gia phả mới.

          Về từ đường: Trước đây họ Nguyễn thôn Hữu có một ngôi từ đường 5 gian tường xây mái ngói làm Nhà thờ Tổ. Nhưng thời kỳ cải cách ruộng đất đã bị phá (không rõ vì lý do gì). Năm 1995, bà con trong họ đã hiến đất, đóng góp tiền của xây được 1 gian nhà thờ và dựng tượng cụ Tổ Nguyễn Công Lộc và bà Tổ cô Nguyễn Thị Lòng, trên đất thổ cư nhà bác Phương, Trưởng nam đời thứ 9 chi 3 thôn Hữu, làm nơi thơ phụng tổ tiên chung của cả họ.

          Về phần mộ: Phần mộ hai cụ Tổ Nguyễn Công Lộc - Trần Thị Quán được quàn tại nghĩa trang nhân dân xã (dân gian gọi là mả Vừa) trên đất ruộng thôn Hữu, hiện được con cháu tu sửa hàng năm, nhìn chung khá khang trang vững trãi.

          Tính từ năm sinh cụ Tổ Nguyễn Công Lộc đến nay đã hơn 3 thế kỷ, các thế hệ họ Nguyễn - Tô đã sinh trưởng đến đời thứ 11. Hiện nay họ Nguyễn - Tô thôn Hữu, xã Mê Linh có cơ cấu tổ chức như ông Trưởng tộc Trưởng nam các chi, tổ chức Ban liên lạc họ Nguyễn; Trường trực Ban liên lạc có 9 thành viên là đại diện của 3 chi họ Nguyễn. Trưởng tộc và Trưởng ban Liên lạc họ Nguyễn - Tô phối hợp chỉ đạo điều hành việc họ như: Tổ chức giỗ Tổ hàng năm vào ngày 25 - 4 âm lịch (là ngày giỗ cụ Tổ đời thứ nhất Nguyễn Công Lộc); tổ chức tảo mộ gia tiên hàng năm vào dịp Thanh minh; tổ chức mừng thượng thọ các cụ tròn 70 tuổi; tổ chức khen thưởng các học sinh “Cháu ngoan Bác Hồ” chăm ngoan học giỏi.

Đến nay, tháng 11 - 2016, họ Nguyễn - Tô hiện có 287 hộ, tổng số nhân khẩu là 877 người, chia theo 3 chi (từ 3 người con trai của cụ Lộc) như sau (chỉ tính nội tôn nam tử con trai và con dâu, không tính con gái con rể, cháu chắt ngoại):

          Chi 1 có 24 hộ (= 8,36 %), với 87 khẩu (= 9,92 %).

          Chi 2 có 165 hộ (= 57,49 %), với 473 khẩu (= 53,93 %).

          Chi 3 có 98 hộ (= 34,14 %), với 317 khẩu (= 36,14 %).

          Trong sự nghiệp Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, các thế hệ con cháu họ Nguyễn xã Mê Linh tỏa đi sinh cơ lập nghiệp ở 21 tỉnh thành của Việt Nam và ở nước ngoài. Số nhân hộ khẩu hiện đang sinh sống ở các tỉnh thành như sau:

          Thái Bình:             191 hộ (= 65,55 %), với 536 khẩu (= 61,11 %)

          Hà Nội:                   22 hộ (= 7,66 %), với 82 khẩu (= 9,35 %)

          Bắc Kạn:                 14 hộ (= 4,87 %), với 48 khẩu (= 5,47 %)

          Hải Phòng:              11 hộ (= 3,83 %), với 37 khẩu (= 4,21 %)

          Quảng Ninh:            11 hộ (= 3,83 %), với 30 khẩu (= 3,42 %)

          Thái Nguyên:            7 hộ (= 2,43 %), với 29 khẩu (= 3,30 %)

          Yên Bái:                    6 hộ (= 2,09 %), với 22 khẩu (= 2,57 %)

          Lạng Sơn:                  5 hộ (= 1,74 %), với 19 khẩu (= 2,16 %)

          Lào Cai:                     5 hộ (= 1,74 %), với 18 khẩu (= 2,05 %)

          Vương quốc Anh:      1 hộ (= 0,34 %), với 4 khẩu (= 0,45 %)

          11 tỉnh, thành khác: 14 hộ (= 4,87 %), với 52 khẩu (= 5,92 %).

          Tổng cộng cả họ là 287 hộ với 877 nhân khẩu.

          Từ ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời lãnh đạo cách mạng Việt Nam, họ Nguyễn - Tô cùng nhân dân cả nước đứng lên đi theo Đảng, tham gia kháng chiến và kiến quốc. Nay có 63 người con ưu tú của họ Nguyễn xã Mê Linh gia nhập Đảng, trong  đó có nhiều người tham gia cấp ủy các địa phương, đơn vị và cơ quan. Các thế hệ Đảng viên trong họ Nguyễn là những người ở đời thứ 7, thứ 8, thứ 9 và thứ 10 của 3 chi họ như sau:

          Chi 1 có 12 đảng viên (= 19,05 %)

          Chi 2 có 13 đảng viên (= 20,64 %)

          Chi 3 có 38 đảng viên (= 60,31 %)

          Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc hàng trăm người con họ Nguyễn - Tô đã tình nguyện lên đường nhập ngũ trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở khắp các chiến trường và lập công xuất sắc. Có 24 con em họ Nguyễn anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, trong đó 23 người đã được Đảng và Nhà nước công nhận là liệt sĩ, 1 cụ đời thứ 7, là du kích chống Pháp do hoàn cảnh đặc biệt (không có người xác nhận) nên chưa được công nhận là liệt sĩ.

          Trong sự nghiệp giáo dục đào tạo để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ sự nghiệp Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước, họ Nguyễn - Tô có 120 người được đào tạo có trình độ chuyên môn đại học và sau đại học, gồm: 1 Tiến sĩ, 13 Thạc sĩ và 106 Cử nhân và Kỹ sư. Chia ra theo các chi như sau: Chi 1 có 19 người (= 15,83 %). Chi 2 có 45 người (= 37,5 %). Chi 3 có 56 người (= 46,66 %).

Quá trình lịch sử 313 năm (1703 - 2016) tồn tại và phát triển của dòng họ Nguyễn - Tô thôn Hữu, xã Mê Linh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình là minh chứng về sức sống mãnh liệt của một dòng họ đã đoàn kết, dũng cảm lao động sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn thách thức của thiên tai địch họa, chuyển cư và lập nghiệp thành công ở miền quê mới Thái Bình và 20 tỉnh thành khác, thích ứng và giao hòa với các dòng họ bản địa, cố kết thành truyền thống văn hóa tốt đẹp của con người họ Nguyễn - Tô nói riêng và của dân tộc Việt Nam anh hùng nói chung.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Con người là động lực của cách mạng”. Gần 900 người con họ Nguyễn - Tô trên mọi miền Tổ quốc là nguồn lực quý đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thành công hôm nay và tương lai mai sau./.

                                                               Nguyễn Đức Minh

                                           Nội tôn đời thứ 8 chi 3 họ Nguyễn - Tô

                                                        Thường trú tại Hà Nội

                                                           Điện thoại di động: 0963354027

stringrating

Bạn đã không sử dụng site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây