honguyen banner

Những lần đổi họ lớn trong lịch sử Việt Nam trung đại

Thứ hai - 03/06/2024 01:31
Nghiên cứu vấn đề này không chỉ giúp chúng ta hiểu thêm về lịch sử phát triển của các dòng họ ở Việt Nam mà còn thấy được mối quan hệ khăng khít giữa bức tranh biến đổi của các dòng họ với sự thịnh suy của các tập đoàn phong kiến trong tiến trình lịch sử dân tộc. Cho đến nay, đây vẫn là một vấn đề hết sức phức tạp và còn rất nhiều khoảng trống cần được bổ sung của giới nghiên cứu. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi không có tham vọng tìm hiểu tất cả những lần thay tên đổi họ hay đưa ra những kiến giải, nhận định mới, mà chỉ bước đầu góp phần tìm hiểu những lần đổi họ lớn trong lịch sử dân tộc, được sử sách ghi lại, làm cơ sở cho những công trình có quy mô hơn về sau.


1. Từ họ Lý đổi sang họ Nguyễn
Tháng chạp năm ất Dậu, sau một loạt động thái thăm dò cho thấy thời cơ đã chín muồi, Trần Thủ Độ tổ chức lật đổ nhà Lý lúc đó đã suy yếu, đưa Trần Cảnh lên ngôi, lập ra nhà Trần. Sự kiện đó được Đại Việt sử kí toàn thư chép lại như sau: " Tháng 12, ngày 11, Mậu Dần, Chiêu Hoàng mở hội lớn ở điện Thiên An, ngự trên sập báu, các quan mặc triều phục vào chầu, lạy ở dưới sân. Chiêu Hoàng bèn trút bỏ áo ngự, mời Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế. Đổi niên hiệu là Kiến Trung năm thứ nhất, đại xá thiên hạ, xưng là Thiện Hoàng" [3: 340].
Việc thay thế triều đại nhà Lý đã 215 năm tồn tại khiến họ Trần tân triều không khỏi băn khoăn, lo lắng vì lòng người chưa thuận, đám cận thần tiền triều chưa phục, đặc biệt là chừng nào mà con cháu và tôn thất nhà Lý vẫn còn thì chừng đó nhà Trần vẫn " ăn chưa ngon, ngủ chưa yên”.
Chính vì vậy, để củng cố vị trí vững chắc cho nhà Trần, đồng thời vĩnh viễn xoá sạch dấu vết họ Lý trên vũ đài chính trị nước ta, tránh nguy cơ bị các trung thần tiên triều tìm cách phản công, chống đối, việc đầu tiên mà Trần Thủ Độ quan tâm chính là tìm cách tiêu diệt tất cả con cháu và tôn thất nhà Lý. Mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất được ông nhắm đến lúc này chính là Lý Huệ Tông. “ Trước đó, Thượng hoàng nhà Lý có lần ra chơi chợ Đông, dân chúng tranh nhau chạy đến xem, có người thương khóc. Thủ Độ sợ lòng người nhớ vua cũ, sinh biến loạn, cho dời đến ở chùa Chân Giáo; bề ngoài giả vờ là để phụng sự, nhưng bên trong thực ra là để dễ bề giữ chặt. Có lần Thủ Độ qua trước cửa chùa, thấy Huệ Tông ngồi xổm nhổ cỏ, Thủ Độ nói:“ Nhổ cỏ thì phải nhổ cả rễ sâu” . Huệ Tông đứng dậy, phủi tay nói:“ Điều ngươi nói ta hiểu rồi” . Đến nay, sai người bày biện hương hoa đến bảo [Huệ Tông]:“ Thượng phụ sai thần đến mời” . Thượng hoàng nhà Lý nói:“ Ta tụng kinh xong sẽ tự tử” . Nói rồi vào buồng ngủ khấn rằng:“ Thiên hạ nhà ta đã về tay ngươi, ngươi lại còn giết ta, ngày nay ta chết, đến khi các con cháu của ngươi cũng sẽ bị như thế” . Bèn thắt cổ tự tử ở vườn sau chùa” [4: 8] (chùa Chân Giáo ở trong kinh thành Thăng Long, được xây vào tháng 9 năm Giáp Tí (1024), đời vua Lý Thái Tổ (1010 – 1028). Việc làm này của nhà Trần khiến sử thần Ngô Sĩ Liên đời Lê cũng phải kêu lên: “ Đã lấy nước của người ta, lại giết vua của người ta thì thực bất nhân quá lắm” [4: 9].
Song song với hành động trên, Trần Thủ Độ còn ra lệnh “ Đưa các cung nhân và con gái họ hàng Lý Huệ Tông gả cho các tù trưởng người Man” [4: 9]. Thực chất của việc này là đem tất cả các cung nhân và con gái họ Lý đến ở các vùng núi xa xôi miền biên viễn, với hi vọng họ sẽ không còn cơ hội níu kéo quá khứ đã qua.
Đặc biệt năm 1232, lấy cớ kiêng huý ông nội của Trần Thái Tông tên là Trần Lý, Trần Thủ Độ đưa ra biện pháp quyết liệt. “ Mùa hạ, tháng sáu, ban bố các chữ quốc huý và miếu huý. Vì nguyên tổ tên huý là Lý mới đổi triều Lý làm triều Nguyễn, vả lại cũng để dứt bỏ lòng mong nhớ của dân chúng đối với nhà Lý” [4: 13] .Bề ngoài là viện cớ kiêng huý, buộc tất cả những ai đang mang họ Lý phải đổi sang họ Nguyễn, nhưng thực chất bên trong là đề phòng các trung thần nhà Lý và những người không ăn cánh, tìm tôn thất nhà Lý, tập hợp lực lượng, chống lại họ Trần và quan trọng hơn là để cho nhân dân không còn hoài niệm về triều Lý nữa, mà yên tâm với sự thống trị của nhà Trần.
Không dừng lại ở đó, vào cuối năm 1232, trong khi tôn thất nhà Lý đang tập trung làm lễ tế tổ tiên dưới một cái hầm ở thôn Thái Đường (thôn Thái Đường thuộc huyện Đông Ngàn ngày xưa, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh ngày nay). Trần Thủ Độ ra lệnh chôn sống tất cả con cháu nhà Lý để dứt điểm một vấn đề đang làm ông mất ăn mất ngủbấy lâu nay. Sự kiện đó được Khâm định Việt sử thông giám cương mụcghi lại như sau: “ Tháng tám, gió lớn, dân gian phát dịch nhiều người chết. Trần Thủ Độ giết hết tôn thất nhà Lý. Khi ấy, Thủ Độ chuyên chính lâu ngày, đã giết Huệ Tông, tôn thất nhà Lý đều bùi ngùi thất vọng. Mùa đông năm ấy, nhân người họ Lý làm lễ tế các vua Lý ở Thái Đường, Hoa Lâm, Thủ Độ ngầm đào hố sâu, làm nhà lên trên, đợi khi mọi người uống rượu say, giật máy chôn sống hết” [4: 14]. Tuy nhiên, sách này lại chua thêm: “ Xét đời Trần Anh Tông còn có người họ Lý làm tướng, hơn nữa [Phan] Phu Tiên không ghi lại, việc này chưa chắc đã có thực, hãy tạm chép vào đây” [4: 14]. Việc này làm cho Tự Đức xúc động phê rằng: “ Thảm quá! Nhưng giết hết thế nào được. Nơi đồng ruộng cũng có anh hùng, cứ gì họ Lý?” [7: 454].
Sau cuộc thanh trừng khủng khiếp này, con cháu nhà Lý không những không dám trở về Bắc Ninh để làm lễ tế hằng năm nữa, mà còn phải mai danh ẩn tích, sống lẩn khuất trong dân gian với hi vọng tránh bị truy lùng và tiêu diệt hoàn toàn.
Trong dòng dõi tôn thất nhà Lý có những người không chịu khuất phục đã ra đi tìm quê hương mới. Tiêu biểu nhất trong số đó là hoàng tử Lý Long Tường, con trai thứ hai của Lý Anh Tông. Năm 1226, Lý Long Tường cùng đoàn tuỳ tùng khoảng 40 người vượt biển sóng to, gió lớn sang định cư, lập nghiệp lâu dài ở Cao Li (sau này là Triều Tiên, ngày nay là Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên ở phía bắc và Hàn Quốc ở phía nam. Nơi mà Lý Long Tường cùng tùy tùng chọn làm quê hương mới là vùng đất thuộc lãnh thổ Hàn Quốc ngày nay). Sau này, chính Lý Long Tường cùng con cháu của ông trở thành những anh hùng trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên của nhân dân Cao Li. Tám trăm năm sau, con cháu của hoàng tử này đã về Việt Nam thăm lại quê cha đất tổ [6: 125].
Đến đây, một câu hỏi lớn được đặt ra là tại sao nhà Trần buộc họ Lý đổi thành họ Nguyễn mà không phải là các họ khác? Điều này rất khó trả lời vì thiếu chứng cứ cụ thể, chỉ biết rằng họ Nguyễn là một trong những họ ít người ở Trung Hoa, nhưng lại có rất nhiều và rất sớm ở nước ta. Theo TS. Ngôn ngữ học Lê Trung Hoa thì " Phần lớn các họ của người Kinh có nguồn gốc Trung Quốc, như Trần, Lê, Lý, Đỗ... Trong hàng nghìn năm Bắc thuộc và tiếp tục sau đó, nhiều quan lại và thường dân Trung Quốc đã sang định cư ở nước ta, rồi sinh con đẻ cháu, dần dần trở thành người Việt... Trần Lãm, cha nuôi của Đinh Bộ Lĩnh, vốn là con ông Trần Công Đức, quán ở trấn Quảng Đông, từ Trung Hoa sang hùng cứ ở vùng Bố Hải Khẩu, nay là xã Kì Bố, huyện Vũ Tiên, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định, mà tự xưng là Trần Công Minh” [1: 29-30]. Hay như hai bà Trưng là hai chị em được gọi Trứng Nhất, Trứng Nhì trong một gia đình làm nghề trồng dâu nuôi tằm, sử sách Trung Quốc phiên âm và ghi là Trưng Trắc và Trưng Nhị. Xem lịch sử danh nhân Trung Hoa, chúng ta thấy rất ít người họ Nguyễn thành đạt. Ngược lại, trong các từ điển danh nhân Việt Nam , họ Nguyễn rất nhiều. Ngày nay, mở danh bạ điện thoại, chúng ta thấy họ Nguyễn chiếm khoảng gần 50% tổng số người trong danh sách. Phải chăng, Trần Thủ Độ muốn cho họ Lý hoà lẫn vào trong số đông người Việt đang sống rải rác khắp nước ta hồi đó.
2. Từ họ Trần đổi sang họ Trình
Để quân Minh nhanh chóng rút về nước, cuối năm 1427, Lê Lợi chấp nhận giải pháp hoà bình trong danh dự cho cả hai bên. Lúc đầu, quân Minh xâm lược nước ta dưới chiêu bài “ Phù Trần diệt Hồ”, nên đến đây, Lê Lợi chấp nhận đưa Trần Cao lên ngôi, xem như quân Minh đã đạt được mục đích ban đầu, đưa người họ Trần trở lại ngôi báu, nay rút về nước trong v inh quang. Thổ quan châu Ngọc Ma (Nghệ An) tên là Hồ Ông, tự xưng là cháu ba đời của vua Trần Nghệ Tông (1370 - 1372). Cuối năm Bính Ngọ (1426), để đáp ứng mong muốn của người Minh trong các cuộc thương lượng, Lê Lợi cho đón Hồ Ông về, đổi tên là Trần Cao, đặt lên làm vua lấy niên hiệu là Thiên Khánh.
Sau khi quân Minh về nước, Trần Cao biết thân phận mình, bỏ trốn về châu Ngọc Ma (Nghệ An). Việc này được Khâm định Việt sử thông giám cương mụcchép như sau: “ Tháng giêng, mùa xuân, Trần chúa, tên là Trần Cao, lén đi Ngọc Ma. Quan quân đuổi kịp. Cao uống thuốc độc chết. Cao, khi đã được lập làm chúa, đóng dinh ở núi Không Lộ, sau dời đi Ninh Giang, rồi lại thiên đi thành Cổ Lộng. Quần thần đều nói với Bình Định Vương rằng:“ Cao không có công cán gì, sao lại để cho ăn trên ngồi trốc người ta. Xin trừ khử hắn đi” . Nhà vua không nỡ, đãi ngộ lại càng hậu hơn. Cao tự biết người nước không theo mình, bèn cất lẻn vượt biên, trốn đi Ngọc Ma. Quan quân đuổi theo bắt được. Khi về đến thành Đông Quan, Cao uống thuốc độc, chết” [7: 831]. Sách này chua thêm việc Trần Cao như sau: “ Có thuyết cho rằng Cao tự biết người nước không phục, bèn dùng bọn Văn Nhuệ vượt biển, trốn đến ải Cổ Lộng. Nhà vua sai người đuổi theo, giết chết” [7: 831]. Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, lập ra nhà Hậu Lê (1428 - 1789).
Lê Thái Tổ lên ngôi không phải do đảo chính quân sự, mà là nhờ công lao chiến đấu suốt một thập kỉ liền của chính ông và nghĩa quân Lam Sơn, nên lúc đầu ông ít có thái độ kì thị với họ Trần và các họ khác. Vì vậy, ngay khi mới lên ngôi, ông đã hết sức khôn khéo ban phát quốc tínhrộng rãi cho các khai quốc công thần nhà Lê. Năm 1428, Lê Thái Tổ ban sắc chỉ cho ghi chép công trạng của những người đã theo vua khởi nghĩa, ban chức tước và quốc tính cho 221 người. “ Tất cả những người trên đây đều được ban cho quốc tính và thưởng tấm biển đề chữ công thần” [7: 833] .Những người đó là: “ Thứ nhất, bọn Lê Vấn, Lê Quy, Lê Địch, Lê ồ 52 người được phong Vinh Lộc đại phu, Tả Kim Ngô vệ đại tướng quân, tước Thượng trí tự. Thứ hai, bọn Lê Bồ, Lê Liệt, Lê Khả 72 người được phong Trung lượng đại phu, Phụng thần vệ tướng quân, tước Đại trí tự. Thứ ba, bọn Lê Trễ, Lê Nghiễm 94 người được phong Trung vũ đại phu, Câu kiềm vệ tướng quân, tước Trí tự” [7: 833]. Đây là đợt ban quốc tính nhiều nhất trong lịch sử nước ta, đến nỗi vua Tự Đức phải phê rằng: “ ... Việc làm ấy tuy cốt để tỏ ý thân mật, trung hậu đối với công thần, nhưng đã mang tiếng là làm rối cả họ hàng nhà vua, không đủ để làm gương mẫu cho đời sau: huống chi nhà Lê lại cho quốc tính nhiều quá thế này thì nhàm lắm” [7: 833].
Hành động này của Lê Lợi đối với cận thần bề ngoài giống như một đặc ân quý giá và hiếm thấy, nhưng thực chất bên trong là một thủ đoạn chính trị hết sức tinh vi và khôn khéo, nhằm ràng buộc các khai quốc công thần của ông với nhà Lê và thoả mãn lòng đa nghi của Lê Thái Tổ. Những khai quốc công thần nhà Lê, mặc dù trước đây đã cùng ông nhiều lần vào sinh ra tử, nhưng nếu có bất cứ biểu hiện khả nghi nào, thì ngay lập tức đều phải gánh chịu những hậu quả khó lường.
Nạn nhân đầu tiên của lòng ích kỉ và đa nghi của Lê Thái Tổ, không ai khác, chính là đệ nhất khai quốc công thần Lê Hãn (Trần Nguyên Hãn). “ Là dòng dõi tư đồ Trần Nguyên Đán, Hãn giỏi học thức, giỏi binh pháp, giúp Lê Thái Tổ khởi nghĩa, ngày càng được yêu thương, trọng đãi, thường được dự bàn những việc bí mật, theo đi trận mạc đến đâu cũng lập được chiến công đấy. Năm Mậu Thân, Thuận Thiên thứ nhất (1428), tưởng lục công thần, Hãn được gia phong Hữu tướng quốc, cho lấy theo họ Lê. Công lao và danh vọng của Hãn thật cao tột” [7: 852]. Sau khi Lê Lợi cầm quyền, “ Hãn có nói riêng với người thân tính rằng:“ nhà vua có tướng như Việt Vương Câu Tiễn, không thể cùng hưởng yên vui sung sướng được” [7: 852 - 853]. Vì vậy, Lê Hãn mạn phép Lê Thái Tổ từ bỏ danh lợi, cáo quan về quê (ấp Sơn Đông) hưu dưỡng, với hi vọng được an thân tuổi già nơi đồng quê yên tĩnh. “ Hãn xin về hưu, được nhà vua cũng ưng thuận: nhưng vì là dòng dõi nhà Trần nên bị nghi kị” [7: 853]. Nhưng số phận không chiều con người, Lê Hãn vẫn bị xoi mói, bới móc, dèm pha đủ điều, đặc biệt nghiêm trọng là việc gán cho ông âm mưu làm phản. “ Những kẻ tâng phong dèm pha với nhà vua rằng Hãn mưu toan làm phản. Nhà vua tin lời, ra lệnh cho lực sĩ đến bắt, khi thuyền đi đến bến Sơn ĐôngHãn tự trầm chết” [7: 853] (Sơn Đông nay thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc). Cho đến nay, hành động này của đệ nhất khai quốc công thần Lê Hãn vẫn còn là một câu hỏi lớn đối với hậu thế.
Sau Lê Hãn, đến lượt Lê Văn Xảo (Phạm Văn Xảo) bị Lê Thái Tổ nghe lời dèm pha, ra lệnh tịch thu nhà cửa vào cuối năm 1430. “ Văn Xảo là người trội cả về tài lẫn trí, rất được nhà vua tin dùng. Đã từng cầm quân đi đánh dẹp: làm cho An Lão và Mộc Thạnh đều phải thua chạy, Văn Xảo lập được nhiều chiến công vẻ vang. Năm Mậu Thân, Thuận Thiên thứ nhất (1428), nhận định công lao để ban thưởng: gia phong Văn Xảo làm Thái bảo, ban cho lấy theo họ Lê, rồi lại gia phong làm Thái uý. Bấy giờ nhà vua đã hơi cao tuổi, lại nhiều bệnh tật. Quốc vương Tư Tề thì ngông cuồng, càn bậy. Thái Tử Nguyên Long thì còn thơ ấu. Thấy Văn Xảo là người kinh lộ, có danh vọng đối với mọi người, nhà vua sợ rằng, một ngày kia, có lẽ khó kiềm chế được, cho nên đem lòng nghi kị. Bọn Trình Hoành Bá và Lê Quốc Khí đón biết ý ấy, muốn tấn công, nên dâng mật sớ cáo tỏ rằng Văn Xảo âm mưu làm việc trái phép. Nhà vua tin lời, bắt Văn Xảo phải chết và tịch thu cả nhà” [7: 861].
Chưa dừng lại đó, dưới thời Lê Thái Tông, lần lượt có ba vị đại công thần khác tiếp tục bị giết là Lê Nhân Chú (1434), Lê Sát (1437) và Lê Ngân (1437). Ngoài ra còn có Lê Trãi, Lê Khả và Lê Khắc Phục bị triệt hạ vào năm 1451, thời vua Lê Nhân Tông. Những việc này được Khâm định Việt sử thông giám cương mụcghi lại như sau:
+ Về Lê Nhân Chú: “ Lê Sát làm thủ tướng, mọi việc đều quyết định theo ý mình. Sát thấy Nhân Chú không ăn cánh, nên dèm pha rồi giết chết. Lại biếm truất em Nhân Chú là Khắc Phục” [7: 872].
+ Về Lê Sát: Việc này được Khâm định Việt sử thông giám cương mụcghi lại như sau: " Bấy giờ nhà vua đã khôn lớn, xét xử và quyết định công việc ngày càng sáng sáng suốt. Lê Sát còn cứ tham quyền cố vị. Nhà vua chán ghét Lê Sát, bèn mưu tính với những người ở bên tả hữu... cùng nhau dâng thư hặc sát về tội chuyên quyền... Bọn Lê Văn Linh và Lê Ngân đều bào chữa cho Sát, nhưng nhà vua không nghe, bèn bóc hết chức tước của Sát" [7: 909]. " Bấy giờ có người cáo tỏ rằng Lê Sát nuôi bọn võ sĩ Lê Thảo, Lê Khải và Lê Khắc Hài làm thích khách, mưu toan làm hại Lê Ngân. Nhà vua nổi giận, hạ chiếu rằng:“ Sát nay lại nuôi dưỡng những tay liều chết để mưu hại người trung lương, dấu tích gian ác của hắn ngày một lộ liễu. Vậy đáng nên chém để rao cho mọi người biết” . Bọn Lê Ngân và Bùi Cầm Hổ tâu rằng:“ Tội Sát đáng chết thật đấy, nhưng Sát đã từng làm đến đại thần, nếu phanh thây làm nhục e đời sau chê cười... Nhà vua bèn cho Sát được tự tử, tịch thu các đồ vật của Sát, chia ban cho quân thần. Vợ con và tài sản của Sát đều bị sung công. Nguyên phi Ngọc Dao, con gái của Lê Sát, sau khi Sát bị tội, cũng bị phế” [7: 911 - 912].
+ Về Lê Ngân: Về việc này Khâm định Việt sử thông giám cương mụccó ghi: “ Có người cáo tỏ rằng nhà Lê Ngân thờ Phật Quan Âm để cầu khẩn cho con gái là Huệ phi được vua yêu chiều. Bấy giờ nhà vua đang ngự ở cửa Đông trong thành, bèn sai thái giám Đổ Đại đem 50 võ sĩ đến khám nhà Lê Ngân, soát thấy có pho tượng Phật để thờ, vàng bạc và lụa màu. Nhà vua sai bắt nô tì của Lê Ngân để xét hỏi. Hôm sau, Lê Ngân vào chầu, bỏ mũ ra, tạ tội rằng:“ Tôi từ trẻ theo đi khởi nghĩa Lam Sơn, mong được trông thấy cảnh thanh bình; về già vì dồn chứa nhọc nhằn vất vả đã lâu, nên sinh lắm bệnh. Thầy bói đoán rằng, chỗ đất nhà tôi ở là ngôi chùa cũ đã hoang phế, nay sinh yêu ma làm cho động trệ, không yên, nên sùng mộ đạo Phật để cầu âm phúc. Chẳng ngờ nay bị người vợ lẽ mà tôi đã bỏ đi, cùng với Trần Thị, là vợ lẽ của Lê Sát ngày trước, mà nhà vua ban cho nhà tôi xui xiển, kết hợp với tên đầy tớ gian ngoan, nhân dịp thêu dệt cho thành tội lỗi. Nếu được nhà vua soi xét định đoạt thì buông tha cho tôi về điền viên để được trót đời tàn rạc này. Nhà vua chưa nguôi giận, giao Lê Ngân cho tòa pháp ti luận tội. Khi án đã thành, nhà vua cho phép Lê Ngân được chết, tịch thu cả nhà, phế Huệ phi Nhật Lệ, con gái Lê Ngân xuống làm tu dung” [7: 919]. Sau đó, Tự Đức đã phê thêm: “ Chỉ vì cớ nhỏ nhặt, lại giết Lê Ngân: hình phạt sao quá lạm thế” [7: 919].
+ Về Lê Trãi: Khâm định Việt sử thông giám cương mụcchép như sau: Ngày 19 tháng 09 năm 1442 " Giết Thừa chỉ nhập nội đại hành khiển, trí sĩ Lê Trãi tru di cả họ. Trãi phải tội liên lụy vì người vợ lẽ Thị Lộ. Người ta đều cho là oan" [7: 928]
+ Về Lê Khả: Chuyện này được Khâm định Việt sử thông giám cương mụcchép như sau: “ Có kẻ dèm pha với Thái hậu rằng Lê Khả cùng với cha con Khắc Phục ngầm kết vây cánh bè đảng. Thái hậu tin lời, bèn giết luôn cha con Lê Khả và cả cha con Khắc Phục”[7: 967].
Sau khi Lê Nghi Dân bị các tướng lĩnh lật đổ (1460), Lê Thánh Tông nối ngôi, được sử sách đánh giá là một minh quân hiếm có thời trung đại Việt Nam, nhưng lại tiếp tục đi vào vết xe đổ của nhà Trần trước đó. Vừa lên ngôi được hai tháng, Lê Thánh Tông hạ chiếu đổi tên tất cả những ai đang phạm vào chữ huý của Hoàng Thái hậu Phạm Ngọc Trần, người làng Quần Lai, huyện Lôi Dương (Thanh Hoá), vợ của Lê Thái Tổ, mẹ của Lê Thái Tông, tức bà nội của Lê Thánh Tông: " Nhà vua lấy cớ rằng: Cung từ Hoàng Thái hậu họ Phạm, tên huý là Ngọc Trần, nên yết thị cho trong kinh thành, ngoài các đạo, phàm nơi có họ Trần đổi chép làm chữ Trình" [7: 987].
Tại sao các vua trước không kị huý bà Phạm Ngọc Trần, mà Lê Thánh Tông lại kị huý? Phải chăng để đề phòng những biến động khó lường của triều đình như Lê Thái Tông đột tử (1442), Lê Nhân Tông bị Lê Nghi Dân bắt giết (1459), Lê Thánh Tông đã dùng kị huý để ngăn chặn ảnh hưởng và ngầm đe doạ con cháu họ Trần về các ảo tưởng phục thù.
May mắn cho họ Trần là Lê Thánh Tông vẫn chưa sử dụng những biện pháp quyết liệt và tàn khốc như Trần Thủ Độ đã từng đối xử với họ Lý. Ông vẫn cho một số người mang họ Trần nắm giữ những chức vụ nhỏ trong triều, nhưng tất nhiên, không có bất cứ nhân vật nào nắm giữ các chức vụ quan trọng. Trong đoàn sứ thần sang nhà Minh năm Nhâm Ngọ (1462) có Trần Bàn, trong viện Khâm hình triều đình lúc đó có Trần Phong. Kể từ khi nhà Mạc ra đời (1527), chúng ta thấy có một vài nhân vật họ Trần xuất hiện trở lại trên sân khấu chính trị nước nhà.
3. Từ họ Mạc đổi sang những họ khác
Nhà Mạc, từ Mạc Thái Tổ đến Mạc Mậu Hợp truyền được năm đời, 65 năm, bị sử sách lên án về các lỗi: tổ chức đảo chính lật đổ nhà Lê (1527) - bất trung, đầu hàng và cắt đất dâng cho nhà Minh (1540) - bán nước.
Trước hết, không có cuộc đảo chính nào mà lại không bị chống đối. Từ Lê Hoàn, Lý Công Uẩn, Trần Thủ Độ đến Hồ Quý Ly, tất cả đều bị những cựu quan triều trước phản đối kịch liệt. Mạc Đăng Dung cũng không thể thoát khỏi quy luật chung đó. Thứ đến, ai là người lên án gay gắt họ Mạc? Các trung thần nhà Lê trung hưng là những người đầu tiên kết tội họ Mạc. Đây là điều thường thấy trong lịch sử. Sau đó là các sử quan triều Nguyễn. Sở dĩ như vậy là vì nhà Nguyễn luôn phải đau đầu trước các thế lực chống đối, nên họ lên án tất cả những ai đã tổ chức và có ý đồ tổ chức đảo chính cung đình.
Quy luật tất yếu của lịch sử là một triều đại suy tàn nhất định sẽ bị thay thế bởi một triều đại khác tiến bộ hơn. Sau thời gian đạt được nhiều thành tựu rực rỡ từ Thái Tổ đến Thánh Tông, dưới thời Uy Mục, Tương Dực, vai trò và vị trí nhà Lê sơ trên vũ đài chính trị đất nước bị lung lay nghiêm trọng. Việc nhà Lê sơ bị thay thế bởi một triều đại khác chỉ còn là vấn đề thời gian. Do đó, cuộc đảo chính của Mạc Đăng Dung không đến nỗi như bị sử sách lên án.
Việc đầu hàng và cắt đất xin hàng nhà Minh cũng cần được xem xét lại trong hoàn cảnh lúc bấy giờ. Năm 1529, hai vị cựu thần nhà Lê là “ Trịnh Ngung, Trịnh Ngang chạy sang tố cáo với nhà Minh về việc Đăng Dung tiếm ngôi và xin nhà Minh dấy quân hỏi tội. Đăng Dung hối lộ bầy tôi nơi biên giới nhà Minh để ỉm chuyện đi. Do đấy công việc không xong, hai người đều chết ở nhà Minh” [8: 102 - 103].
Năm 1533, Nguyễn Kim lập Lê Duy Ninh lên làm vua. “ Vua sai Trịnh Duy Liêu sang nhà Minh tâu rằng vì Mạc Đăng Dung tiếm loạn, chiếm giữ kinh thành, ngăn trở đường đi nên bỏ lâu việc tiến cống" [5: 119]. Năm 1534, " Nhà Minh nghe tin Mạc Đăng Dung cướp ngôi, đặt quan lại nguỵ, chiếm giữ kinh thành, ngăn trở đường tiến cống, tự tiện làm bài Đại cáo, tiếm xưng là Thượng hoàng, tội trạng đã rõ, bèn sai Hàm Ninh hầu Cừu Loan làm Tổng đốc quân vụ, Binh Bộ thượng thư Mao Bá Ôn làm Tham tán quân vụ, đem quân sang hỏi đánh" [5: 120] .
Đợi lâu không thấy tin tức gì của Trịnh Duy Liễu, năm 1536, Lê Trang Tông sai Trịnh Viên đi thỉnh cầu nhà Minh đánh họ Mạc. " Vua sai Trịnh Viên sang nhà Minh trình bày việc họ Mạc cướp ngôi, giết vua và vua phải xiêu dạt vào Thanh Hoa" [5: 120]. Tháng 2 năm 1537, " Vua Minh bèn phong Hàm Ninh hầu Cừu loan làm Tổng đốc, Thượng thư Mao Bá Ôn làm Tán lí quân vụ, đem quân đi đánh" [8: 110 - 111].
Hành động trên của vua Lê, do Nguyễn Kim cố vấn, chẳng khác nào " rước voi về giày mả tổ,nếu không muốn nói là bán nước vì lợi ích dòng họ, lại không hề bị bất cứ một sử gia nào về sau lên án. Ngược lại, trong thế yếu, Mạc Thái Tổ đành chấp nhận nhục nhã và hi sinh danh dự cá nhân để tránh một cuộc chiến tranh mà mình nắm chắc phần thất bại và đưa nhân dân vào cảnh " núi xương sông máu" một lần nữa. Việc này được Khâm định Việt sử thông giám cương mụcghi lại như sau: " Đăng Dung được tin, cả sợ, sai sứ giả đến cửa quân của tướng Minh, trần tình, nguyện xin ra khỏi bờ cõi, đầu hàng và kính cẩn vâng theo lệnh trên phân xử. Lời lẽ của Đăng Dung rất là khiếm nhún, thiết tha. Bọn Bá Ôn vâng theo lời chiếu của vua Minh, củng thuận, hẹn đến mồng 3 tháng 11 cho Đăng Dung sang làm lễ đầu hàng... Đến kì đã định, Đăng Dung để Phúc Hải ở lại coi giữ việc nước, còn mình cùng với người cháu là Văn Minh và bè đảng là bọn Vũ Như Quế hơn 40 người do đường Nam Quan đi sang: ai nấy buộc dây thao vào cổ, đi chân không, gieo mình vào nơi mạc phủ tướng Minh, khúm núm, phủ phục, khấu đầu lạy, dâng tờ biểu xin hàng, nộp trình sổ sách, đất đai và nhân dân do mình cai quản. Đăng Dung lại xin dâng đất các động Ti Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, La Phù, An Lương thuộc châu Vĩnh An ở Yên Quảng để lệ thuộc vào Khâm châu nhà Minh" [8: 115].
Nhờ đó, nước ta trên danh nghĩa là chư hầu của nhà Minh, nhưng trong thực tế vẫn hùng cứ một phương. Xưa nay, chúng ta thường cho rằng hành động trên của Mạc Đăng Dung là vì quyền lợi gia đình và dòng họ, nhưng giả thiết, ông hành động như họ Hồ mấy trăm năm trước trong tình hình đất nước lâm nguy, thì chưa biết lịch sử đã đi về đâu. Người ta ca tụng Hàn Tín lòn trôn tên bán thịt chợ Hoài như một tấm gương sáng chói về sự nhẫn nhục chịu đựng đáng được noi theo, nhưng chẳng có một ai chịu chia sẻ với nỗi nhục lớn của Mạc Đăng Dung. Buồn tủi về sự kiện Nam Quan, chưa được một năm sau (1541), ông nhuốm bệnh rồi từ trần.
Việc cắt đất của Mạc Đăng Dung nghe qua khá " đao to búa lớn", nhưng thực chất đó chỉ là vùng đất của một số sắc tộc ít người, sống rải rác ở vùng biên giới Việt - Trung gồm: Ti Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Các và La Phù thuộc châu Vĩnh An (Hà Quảng - Cao Bằng). Các dân tộc này chưa bao giờ trung thành tuyệt đối với Trung Hoa hay Đại Việt, bên nào mạnh thì họ theo, với hi vọng được yên thân. Do đó, hành động cắt đất của nhà Mạc có ý nghĩa ngoại giao nhiều hơn là bán nước cầu vinhnhư sử sách đã từng lên án.
Điều quan trọng nhất là sau khi thất thế, con cháu nhà Mạc không tiếp tục cầu xin người Minh đem quân sang nước ta như nhà Lê đã làm, mà chỉ nhờ họ can thiệp để được sinh sống trên quê cha đất tổ và góp phần đưa Cao Bằng thành một vùng biên giới vững chắc của Tổ quốc. Công lao này tuy không rực rỡ như " đường về phương Nam" của các chúa Nguyễn, nhưng chẳng lẽ, con cháu họ phải mai danh ẩn tích, tha hương cầu thựcmới thỏa đáng sao?
Sau khi Trịnh Tùng chiếm được Thăng Long, trung hưng nhà Lê (1592), con cháu họ Mạc buộc phải tẩu tán khắp nơi. Một số lên Cao Bằng, một số chạy vào Thanh Hoá, Nghệ An lẩn trốn và một số vào Nam theo tiếng gọi của chúa Nguyễn. Một số khác đã tự sơn lên trên gốc Mạc của mình một danh tính khác, trong đó có họ Nguyễn. Sách Thế phảcó ghi lại rằng: con của Mạc Đăng Doanh, em của Mạc Kính Điển là Mạc Cảnh Huống vào Nam theo Nguyễn Hoàng, sau con là Mạc Cảnh Vinh đổi tên là Nguyễn Hữu Vinh [2: 126]. Con cháu họ Mạc không những chỉ đổi sang họ Nguyễn, mà chắc chắn còn nhiều họ khác nữa. Trước đây, những người này không thể lên tiếng, một mặt vì sợ chính quyền quân chủ trả thù, mặt khác vì sử sách lên án nhà Mạc quá nhiều. Hi vọng, vào một ngày không xa, con cháu họ sẽ giải tỏa được nỗi oan thế kỉ cho nhà Mạc và tự hào tìm về với cội nguồn tổ tông.
Nguyên nhân chính của ba lần đổi họ lớn trên đây, suy cho cùng, là do mục đích chính trị. Cả ba họ bị đổi tên đều đã có một thời nắm quyền nhiếp chính. Sau khi bị truất phế, con cháu các họ này bị bắt buộc hoặc phải tự nguyện thay đổi danh tính để tồn tại và phát triển. Dù mong muốn hay không, thì những lần đổi họ đó không những luôn luôn gắn liền với các biến động chính trị lớn của dân tộc, mà còn có những đóng góp khác nhau vào sự ổn định và phát triển của xã hội. Tuy nhiên, ngược dòng lịch sử, có một dòng họ xuất hiện rất sớm và luôn luôn đồng hành với chiều dài đất nước, cho đến nay, không những chưa một lần thay tên đổi họ, mà còn ngày một phát triển, hưng thịnh. Đó chính là họ Nguyễn Phúc ở Gia Miêu, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá.
4. Họ Nguyễn Phúc - một họ lớn chưa bao giờ thay đổi
Theo thế phả dòng họ Nguyễn Phúc, " Đức Định Quốc Công huý là Nguyễn Bặc, thân phụ và thân mẫu của ngài không rõ gốc tích nhưng chính ngài được xem là thuỷ tổ của dòng họ Nguyễn Phúc" [2: 21].
Nguyễn Bặc (924 - 979) là bạn chí thân từ thuở hàn vi và là cận thần của Đinh Bộ Lĩnh. Khi Đinh Tiên Hoàng lên ngôi, Nguyễn Bặc được phong Định Quốc Công, đứng đầu các công thần. Năm 979, Đinh Tiên Hoàng bị ám sát, Nguyễn Bặc bắt giết kẻ ám hại là Đỗ Thích và tôn phò Vệ vương Đinh Toàn lên ngôi, nhưng sau do chống lại Lê Hoàn, nên không may bị giết.
Theo sách Thế phả, gia phả họ Nguyễn, từ thời Nguyễn Bặc đến nay, họ Nguyễn ở Gia Miêu có rất nhiều người nắm giữ các chức vị cao trong các triều đại phong kiến và thường được phong tước Công. Chỉ có một thay đổi nhỏ so với lúc đầu là họ này lót thêm chữ " Phúc" từ thế kỉ XVI. Tương truyền, khi sắp sinh, vợ của Nguyễn Hoàng nằm mộng thấy thần linh cho một tờ giấy viết đầy chữ " Phúc". Có người khuyên bà lấy chữ " Phúc" đặt tên cho con, bà trả lời rằng: " Nếu đặt tên cho con thì chỉ một người được hưởng phúc, chi bằng lấy chữPhúcđặt làm chữ lót thì mọi người đều được hưởng phúc" [2: 113]. Từ đó, họ Nguyễn ở Gia Miêu trở thành họ Nguyễn Phúc.
Dù có người cho rằng các tác giả Thế phảđương nhiên tâng bốc tổ tiên mình, nhưng không ai có thể phủ nhận những gương mặt lớn trong lịch sử dân tộc như Nguyễn Bặc, Nguyễn Kim (1468 - 1545), Nguyễn Hoàng (1525 - 1613), Nguyễn Phúc Tần (1620 - 1687)...…
Thời điểm cực thịnh của họ Nguyễn Phúc là nửa đầu thế kỉ XIX, khi Nguyễn Phúc ánh lên ngôi (1802), cai trị một vùng đất nước rộng lớn chưa từng thấy trong lịch sử Việt Nam đến lúc đó. Các vua Nguyễn rất đông con nên ngoài việc lập Tôn nhân phủđể cai quản con em hoàng tộc, vua Minh Mạng còn soạn bài Đế hệ thivà 10 bài Phiên hệđể làm chữ lót cho con cháu họ Nguyễn Phúc phân định thứ bậc các thế hệ từ đời ông về sau. Bài Đế hệ thi đó là: “Miên, Hường, Ưng, Bửu, Vĩnh, Bảo, Quý, Định, Long, Tường, Hiền, Năng, Kham, Kế, Toại, Thế, Thoại, Quốc, Gia, Xương”.
Dù năm 1945, vua Bảo Đại thoái vị, chấm dứt sự tồn tại của chế độ quân chủ ở nước ta, nhưng họ Nguyễn Phúc, vốn rất đông người từ thời các chúa Nguyễn, vẫn cứ phát triển vững vàng và có nhiều nhân vật nổi tiếng trên khắp các lĩnh vực chính trị, quân sự, văn hoá, học thuật, kinh tế, khoa học... không những ở trong nước mà còn cả trên thế giới.
Tài liệu tham khảo
1.Lê Trung Hoa, Họ và tên người Việt Nam , Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002.
2. Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc, Nguyễn Phúc tộc thế phả,Nxb. Thuận Hoá, 1995.
3.Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, Đại Việt sử kí toàn thư, T.1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998.
4.Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, Đại Việt sử kí toàn thư, T.2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998.
5.Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, Đại Việt sử kí toàn thư, T.3, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998.
6.Nguyệt san Làng Văn, Toronto, Canada, số 125, tháng 1-1995.
7.Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục(bản dịch của Viện Sử học), T.1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1998.
8.Quốc sử quán triều Nguyễn,Khâm định Việt sử thông giám cương mục(bản dịch của Viện Sử học), T.2, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1998.

Nguồn : hoidantochoc.org.vn (03/10/06)
 

stringrating

Bạn đã không sử dụng site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây