Nguyễn Văn Nhã - Tử tế theo cách của bạn
Những câu chuyện bình dị
Trước câu chuyện của em Nhã, tháng 3-2021, nhiều người cảm phục trước tinh thần dũng cảm của anh Nguyễn Ngọc Mạnh (huyện Đông Anh, Hà Nội) đỡ cháu bé rơi từ tầng 12 một chung cư. Tuy nhiên, sau đó là những ý kiến hoài nghi về “việc tử tế” này, liệu anh Mạnh có thực sự đỡ được cháu bé hay không? Một lần nữa, lòng tốt vừa lan tỏa đã bị hoài nghi… Chính sự hoài nghi này khiến nhiều người tốt hụt hẫng, bởi việc làm của họ chỉ mong giúp người khác lúc hoạn nạn chứ không phải để được lên báo rồi trở thành tâm điểm cho dư luận hay cộng đồng mạng.
Ngọc Hạnh, sinh viên Đại học Kinh tế TPHCM, chia sẻ: “Chuyện tử tế không phải là một khá niệm quá lớn lao, hay những phần việc thiện nguyện góp nhiều tiền của… Việc anh Mạnh, bạn Nhã đã làm chỉ là phản ứng khi thấy người xung quanh gặp khó khăn. Sức người luôn có hạn, chúng ta không thể làm tốt được tất cả mọi việc, nhưng chính phản ứng của chúng ta trong những tình huống cụ thể của cuộc sống, đó là sự tử tế”. Tử tế trong cuộc sống hôm nay đôi khi chỉ là những hành động rất đơn giản, như: bớt sử dụng ly nhựa dùng một lần, thực hiện đúng thông điệp 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế...
Sau bài viết chia sẻ về thông điệp 5K và kêu gọi bạn bè hạn chế du lịch trên trang cá nhân có hơn 13.000 lượt thích và chia sẻ, Phạm Hồng Duyên (24 tuổi, ngụ quận 1, TPHCM) cho biết: “Thu nhập chính của tôi là từ việc giới thiệu mỹ phẩm và livestream cho các cửa hàng quần áo, nên tôi phải xây dựng trang cá nhân nhiều tương tác và lượt theo dõi. Mấy hôm nay, đọc tin tức thấy dịch bùng phát lại trong cộng đồng, tôi chia sẻ thông điệp 5K của Bộ Y tế, hy vọng bài viết sẽ được lan tỏa. Nhiều bạn bè tôi làm Vlog nói về sống xanh, rác thải điện tử và chia sẻ lên mạng, hiệu ứng lan tỏa cũng tốt lắm. Bây giờ đã có nhiều người gom pin qua sử dụng và các thiết bị điện tử hư hỏng gửi tới để tái chế, đó cũng là cách tử tế với môi trường”.
“Gieo” tử tế
Nhóm Sài Gòn tử tế đã thực hiện bộ sách ảnh mang tên Sài Gòn tử tế, ghi lại những khoảnh khắc đời thường dung dị của cuộc sống hàng ngày ở TPHCM như: công nhân vệ sinh đang làm sạch đường phố buổi sớm, nụ cười hom hem của bà cụ đang bước trên đường, một thanh niên khuyết tật đến trường, nhóm cắt tóc miễn phí… bán gây quỹ để giúp đỡ những mảnh đời khó khăn có mặt trong chính cuốn sách. Nguyễn Văn Luận (34 tuổi, thành viên của nhóm Sài Gòn tử tế), cho biết: “Những câu chuyện tử tế được chia sẻ rất nhiều trên báo đài và mạng xã hội, nhưng với Sài Gòn tử tế không chỉ là kể lại những điều tử tế. Tôi hy vọng mọi người có thể thấy và chạm đến những điều tử tế qua những câu chuyện, con người có thật và được nhóm xác minh rõ ràng danh tính, địa chỉ”.
Không hẳn là một nhóm thiện nguyện, cũng không có thành viên chủ chốt mà chỉ là những bạn trẻ mong muốn được làm và lan tỏa điều tử tế kết nối với nhau. “Sau dự án sách ảnh Sài Gòn tử tế, những chương trình khác của nhóm đều không có tên gọi, khi thấy cộng đồng xung quanh cần chia sẻ, giúp đỡ thì tụi mình “ới” nhau một tiếng để chung tay làm”, anh Luận chia sẻ thêm.
Đặt trước quán cà phê Touch Saigon trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TPHCM) một bơm xe miễn phí, anh Luận giải thích: “Mấy bạn nữ thường không rành về xe máy, nhiều khi không chú ý chuyện bơm bánh xe đâu, nên tôi nghĩ ra ý này để thuận tiện cho các bạn tới uống cà phê, có chỗ bơm xe luôn. Và các cô chú xe ôm, hàng rong cần bơm bánh xe thì cứ ghé lại thoải mái, không thu tiền và không phân biệt gì hết”.
“Tương lai là một câu chuyện còn ở phía trước, tôi không dám khẳng định gì nhiều, chỉ hy vọng mình có thể duy trì và phát triển mô hình quán cà phê hiện tại, kết nối những người bạn để cùng nhau gieo nhiều việc tử tế hơn. Tôi nghĩ khi chúng ta đem việc tử tế thành một câu chuyện, một việc làm hàng ngày, dù rất nhỏ thôi, nhưng đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ không cần phải hô hào hay kêu gọi ủng hộ điều gì hết, bởi chỉ cần thấy một điều có ích trong khả năng của mình, tự khắc người ta sẽ làm ngay, không phải chần chờ”, anh Luận bày tỏ.
: honguyen