LỄ TIÊN HIỀN PHỤC NGHIỆP
Ngày mùng 2 tháng 3 âm lịch, theo ĐÔNG TÁC HƯƠNG CẢI LƯƠNG BẠ, tức là lệ làng Đông Tác sửa đổi, là ngày lễ Tiên hiền phục nghiệp. Theo lệ làng xưa, làng sẽ chi 3 đồng, dùng xôi, thủ, trầu, rượu, giao nghị viên giáp Bắc.
Đây có lẽ là lễ "Tiên hiền phục nghiệp" duy nhất tại Việt Nam. Nó liên quan đến một sự kiện lịch sử của dòng họ. Khoảng cuối thế kỷ 16, dân cư đông dần và lập thành “Ấp thôn Trung”. Cụ Phúc Kỳ (Đạt Nhạn, húy Đạo, tên tự là Phúc Khang), cụ Tổ đời thứ 5 dòng họ Nguyễn Đông Tác, là ấp trưởng. Lúc này có tên Việt Quận công đến cướp nhà, đất của dân để xây quân doanh, Cụ đưa dân sang ở nhờ quê ngoại (quê Mẹ và quê vợ) là làng Kim Hoa (Kim Liên ngày nay). Tuy người dân phải dời đi nơi khác, nhưng những việc hộ tịch, thi cử, tuyển mộ thì dân làng vẫn theo lệ cũ…
Sau khi đỗ Giải Nguyên năm 1657, cụ Nguyễn Hy Quang đã vận động đoàn kết các dòng họ trong làng, tìm cách đòi lại đất cũ. Trải qua 3, 4 lần xét xử, đến năm 1674, sau khoảng 80 năm phải "ở nhờ", người dân Đông Tác - Trung Tự đã được trở về phục nghiệp trên đất cũ của mình.
Lễ Tiên hiền phục nghiệp là để ghi khắc công ơn của những bậc tiền nhân đã giúp dòng họ và dân làng khôi phục lại đất đai, làng xóm và nghề nghiệp.
Lễ Tiên hiền phục nghiệp được diễn ra một ngày trước ngày Giỗ Tổ của dòng họ Nguyễn Đông Tác.
(ảnh có tính chất minh họa)